5 lưu ý về dọa sảy thai (động thai) bà bầu nào cũng cần hiểu rõ

Dọa sảy thai

Dọa sảy thai là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu. Nó có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu bà bầu không chú ý. Các mẹ hãy cùng Thảo Dược Duy Hưng tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị dọa sảy thai.

Dọa sảy thai là gì?

Dọa sảy thai là tình trạng ra máu, đau bụng nhưng thai nhi vẫn an toàn và phát triển bình thường trong buồng tử cung. Dọa sảy thai thường xảy ra ở những tuần đầu của thai kỳ.

Nhiều người thường lầm tưởng dọa sảy thai và sảy thai là một, vì cùng diễn ra vào khoảng 3 tháng đầu thai kỳ. 2 hiện tượng này hoàn toàn khác nhau. Khi bị dọa sảy thai, bà bầu bị chảy máu âm đạo nhưng thai nhi vẫn còn an toàn, còn khi bị sảy thai chảy máu âm đạo nhiều hơn, đau bụng sẽ quặn hơn, và thai nhi bị đẩy ra ngoài không còn nằm trong buồng tử cung. Dọa sảy thai sẽ không nguy hiểm nếu mẹ bầu nhận biết kịp thời và sớm có cách xử lý phù hợp.

2. Dấu hiệu dọa sảy thai

  • Cảm giác đau tức hoặc đau âm ỉ từng cơn ở bụng dưới và mỏi vùng thắt lưng.
  • Ra dịch màu hồng nhạt hoặc vài giọt máu chảy ra ở âm đạo…
  • Trong nhiều trường hợp thai phụ bị bong rau dọa sảy nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường vì diện bong rau kín, máu chưa thoát ra được ngoài, được phát hiện tình cờ do đi siêu âm khám thai định kỳ.

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dọa sảy thai

  • Nguyên nhân dọa sảy thai có thể là do sự bất thường về nhiễm sắc thể, sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai.
  • Doạ sảy thai do thiếu năng hoàng thể thai kỳ: Trong giai đoạn đầu mang thai, thai phụ có khả năng thiếu năng hoàng thể thai kỳ dẫn đến trường hợp dọa sảy thai. Vì thế bà bầu cần nghỉ dưỡng, hạn chế vận động mạnh. Khi Nhau thai đã hình thành và phát triển, thai phụ có thể vận động bình thường, nhưng vẫn cần theo dõi cẩn thận.
  • Doạ sảy thai do hở eo tử cung: Hở eo tử cung được phát hiện khi siêu âm, nên khi có tình trạng ra máu dọa sảy thai cần đến thăm khám lập tức để phát hiện kịp thời. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định khâu eo để giữ thai. Thời gian thực hiện tốt nhất là lúc thai được 15-19 tuần tuổi. Sau khi khâu, thai phụ cần vận động nhẹ nhàng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Khi thai phụ sinh nở bác sĩ sẽ cắt chỉ khâu.
  • Nhau tiền đạo: Bạn có thể gặp các triệu chứng dọa sảy thai khi bị nhau tiền đạo. Đây là tình trạng lá nhau đóng ở phần thấp của tử cung. Có các loại nhau tiền đạo như: Thể hoàn toàn (nhau đóng thấp, bít cổ tử cung); Không hoàn toàn (nhau chỉ che một phần tử cung); Nhau đóng cao (chỉ bám gần mép cổ tử cung). Khi bị nhau tiền đạo các thai phụ thường bị ra huyết và sẽ đe dọa sinh non. Vì thế, người mẹ cần nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và được bác sĩ theo dõi thường xuyên. Nếu ra máu nhiều, phải nhập viện hoàn toàn, truyền máu và dùng thuốc dưỡng thai chờ đến ngày sinh.
  • Do một số bệnh của mẹ như: sốt cao, suy tim, bệnh thận mạn tính, mất cân bằng nội tiết, các bệnh về tử cung như: viêm nhiễm cổ tử cung, u xơ tử cung, u tử cung, ung thư cổ tử cung… sẽ tác động đến thai nhi làm dọa sảy thai. Vì thế người mẹ cần nghỉ ngơi nhiều, và điều trị dưới sự chỉ đạo của bác sĩ. Không được tự ý dùng thuốc.
  • Do thai phụ bị suy nhược, làm việc quá sức, chế độ nghỉ ngơi không hợp lí, ăn uống thiếu dưỡng chất,…

4. Cách xử lý khi bị dọa sảy thai

  • Nghỉ ngơi: Khi có các dấu hiệu dọa sảy thai cần nghỉ ngơi ngay lập tức để đảm bảo các cơ quan sinh sản nhất là tử cung không bị kích thích trong thời gian này.
  • Kiêng lao động năng: Khi thai phụ lao động nặng trong khi có dấu hiệu dọa sảy thai sẽ tăng nguy cơ sảy thai.
  • Tránh quan hệ tình dục: Việc quan hệ tình dục mất rất nhiều sức vận động của cơ và các hệ thận kinh, đặc biệt là cơ quan sinh sản tử cung và âm đạo làm tăng cao khả năng sảy thai.
  • Khi đau bụng, tránh xoa bụng, đấm lưng làm kích thích tử cung co bóp nhanh và mạnh hơn làm dễ sảy hơn.
  • Lập tức đi khám, siêu âm để phát hiện nguyên nhân gây dọa sảy thai để có hướng điều trị đúng và kịp thời.
  • Khi đã kiểm tra và biết được tình trạng, phải tuần thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, nếu không có thể dẫn đến thai có thể ngừng phát triển hoặc sẩy thai.

5. Cách phòng ngừa dọa sảy thai

  • Trong khi mang thai, điều quan trọng nhất là luôn giữ cho tư tưởng, tâm lí được thoải mái, vui vẻ. Tránh căng thẳng, stress. Không thức khuya.
  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức khoẻ.
  • Ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, nhất là các chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu), ăn nhiều hoa quả, rau… trong suốt quá trình mang thai.
  • Tránh lao động nặng và đi lại nhiều trong quá trình mang thai
  • Tránh quan hệ vợ chồng trong những tháng đầu và tháng cuối mang thai.
  • Không hút thuốc lá và uống các đồ uống kích thích như: café, bia, rượu, …
  • Khám thai và siêu âm định kì là giải pháp hữu hiệu để theo dõi sức khoẻ của mẹ và bé.
  • Nếu đã từng bị dọa sảy thai từ những lần mang thai trước thì phải thật cẩn thận trong lần mang thai tiếp theo.